Thịt thú rừng cũng không tránh được nạn “hàng nhái”. Rùng rợn là ở chỗ các sản phẩm này có thể được chế từ thịt lợn “bẩn” mua gom từ các lò mổ hay bán trôi nổi. Đó có thể là thịt ế đã bị ôi, thịt lợn bệnh, lợn chết có giá rẻ như cho. Các nguyên liệu này được đem về nhúng vào nước pha chất tẩy, ướp “hương vị” các loại theo ý muốn như bò, nai, chồn, cho vào lò sấy khô với nhiệt độ cao để tạo mùi...
Dùng phân đạm, thạch cao làm chất phụ gia, làm giả thịt thú rừng… là những cách chế biến đồ ăn khó tin đã bị phanh phui.
Có nhiều món ăn, đồ uống được coi là rất “khoái khẩu” đối với người Việt Nam, nhưng “công nghệ” chế biến những món ăn này sẽ khiến nhiều người không khỏi kinh hãi.
Dưới đây là một số cách chế biến thức ăn, đồ uống khó tin đã được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua:
Từ lâu nay, tiết canh đã được coi là một món ăn có nguy cơ cao về thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng việc một số cơ sở sử dụng cả… phân đạm bón rau làm chất phụ gia giúp tiết đông cứng, giữ màu đỏ tươi là điều mà ít người có thể tưởng tượng được. |
Quy trình làm đậu phụ được thực hiện trình tự theo các bước cơ bản: ngâm mềm đậu tương, xay nhỏ và ủ, sau đó nấu để nổi cái lên trên bề mặt, vớt cái cho ra khuôn ép nước cho thành bánh đậu. Trong quá trình này, không ít cơ sở đã pha thêm thạch cao vào để tăng hiệu suất nổi cái nhiều, giúp sản lượng bánh đậu được nhiều hơn cũng như giúp cái nhanh đông cứng. |
Khi bị phanh phui, kỹ nghệ làm ruốc giả đã khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Chỉ cần thu gom bã sắn dây từ cơ sở lọc bột sắn thuê về ép, phơi khô, đánh bông, tẩm gia vị, xào cho vàng, trộn với một ít ruốc thật là ra ruốc “nhái” y chang ruốc thịt thực sự. Loại ruốc này được bán ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 giá ruốc thật. |
Thịt thú rừng cũng không tránh được nạn “hàng nhái”. Rùng rợn là ở chỗ các sản phẩm này có thể được chế từ thịt lợn “bẩn” mua gom từ các lò mổ hay bán trôi nổi. Đó có thể là thịt ế đã bị ôi, thịt lợn bệnh, lợn chết có giá rẻ như cho. Các nguyên liệu này được đem về nhúng vào nước pha chất tẩy, ướp “hương vị” các loại theo ý muốn như bò, nai, chồn, cho vào lò sấy khô với nhiệt độ cao để tạo mùi, tạo độ dai như thật. Thịt lợn rừng được làm giả công phu hơn với việc dùng cây kim ba mũi tự chế được đóng chặt vào một chiếc đũa tre châm vào da để tạo ra những lỗ châm lông chụm 3 đúng như lợn rừng “xịn”. |
Cà phê tưởng như an toàn, nhưng ít ai ngờ rằng sản phẩm này có thể được chế biến từ những nguyên liệu không liên quan gì đến cà phê như bắp, đậu nành, hương liệu hóa học. Để làm cà phê rởm, hỗn hợp các nguyên liệu trên cùng chất tạo dính, đường hóa học, muối gạo… sẽ được trộn đều trong máy trộn, nghiền và “hô biến” thành cà phê thành phẩm, sẵn sàng được tung ra thị trường. |
Bún ngon chỉ được làm từ bột gạo, nhưng để giảm chi phí, nhiều cơ sở sản xuất bún chui đã trộn thêm bột mì vào bột gạo. Điều này khiến sợi bún dễ bị nát vụn và có màu đen rất xấu. Để giải quyết vấn đề trên, người làm bún đã dùng đến một loại hóa chất tẩy trắng, tăng độ dẻo dai có tên Tinopal. Đây là một loại hóa chất tẩy rửa cực mạnh, vốn được nhiều người mua để pha chế trong bột giặt, xà phòng. |
“Công nghệ hóa học” thao túng cả những đồ uống rất được ưa chuộng như chè, trà sữa, sinh tố… Đầu tiên là “đường siêu ngọt”, chỉ cần cho nửa thìa cũng bằng cả cân đường kính, ngọt cả nồi chè. Một loại hóa chất khác là “cần sủi”, có khả năng giúp một nồi chè đỗ đen được ninh nhừ sau vài phút, dù bình thường phải mất hơn nửa tiếng. Trà sữa và sinh tố thì được pha chế bằng những hóa chất “lạ” nhiều màu sắc được bọc trong túi nylon, mà một túi nhỏ có thể pha được cả chục cốc. |
Công nghệ làm trắng bánh bao lại là một điều hãi hùng khác. Để bánh trắng, xốp, mềm hơn, người làm bánh đã không dừng lại ở công đoạn ủ bột mà còn có sự hỗ trợ của phụ gia. Các chất phụ gia bao gồm bột nở, men nở và… bột tẩy trắng, một hóa chất có thể gây viêm loét dạ dày, viêm niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em |
Theo Báo đất Việt