PHIM TÀI LIỆU HAY - HÀ NỘI TRONG MẮT AI


Hà Nội trong mắt ai là một bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1982 nhưng bị cấm cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Bằng cách kể mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, Hà Nội trong mắt ai sử dụng những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với thủ đô để phản ánh suy nghĩ của người dân về tình hình xã hội. Trong phim đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhắc tới nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hà Nội như Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương cho tới Bùi Xuân Phái. Bên cạnh những cảnh sinh hoạt của người dân Hà Nội thời bao cấp, nhiều cảnh đẹp của thành phố cũng xuất hiện trong phim, có thể kể tới Hồ Tây, chùa Trấn Quốc hay Đền Quán Thánh. Sau khi chiếu duyệt, Hà Nội trong mắt ai đã lập tức bị cấm chiếu dù được nhiều người khen ngợi về nội dung và chất lượng nghệ thuật. Phải 5 năm sau khi ra đời, bộ phim mới được chiếu rộng rãi nhờ sự can thiệp của các lãnh đạo Việt Nam như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng. Năm 1988 bộ phim đã giành giải Bông sen vàng cho phim tài liệu Việt Nam hay nhất, cho đến nay đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc lấy đề tài về Hà Nội.

Hà Nội trong mắt ai mở đầu bằng hình ảnh nghệ sĩ guitar mù Văn Vượng, là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nghệ sĩ Văn Vượng chỉ một lần mong muốn được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của thành phố. Tiếp đó Hà Nội trong mắt ai kể lại những câu chuyện và nhân vật lịch sử gắn bó với Hà Nội, từ Tô Hiến Thành, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thì Nhậm tới Bùi Xuân Phái. Xen giữa những hình vẽ minh họa các câu chuyện lịch sử là các cảnh đẹp của Hà Nội như Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh cùng những cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân Hà Nội thời bao cấp. Bộ phim kết thúc bằng những suy nghĩ về di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh và khúc nhạc Hà Nội trong mắt ai do Văn Vượng sáng tác và trình diễn.

Vào đầu thập niên 1980, Trần Văn Thủy nhận được kịch bản Hà Nội năm cửa ô với nội dung mô tả về du lịch Hà Nội với những cảnh đẹp và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên sau khi khảo sát điều kiện làm phim trong giai đoạn khó khăn này của thành phố, Trần Văn Thủy thấy rằng ông nên làm một bộ phim về những giá trị tinh thần vĩnh cửu của dân tộc, của thủ đô thay vì những cảnh đẹp vốn luôn thay đổi và biến động theo thời gian. Kịch bản Hà Nội trong mắt ai dần được hình thành thông qua các câu chuyện xoay quanh lịch sử Hà Nội, từ chuyện Tô Hiến Thành chọn người tài kế nghiệp cho tới những bài thơ của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan hay câu đối của Ngô Thì Nhậm.

Người được giao trách nhiệm quay bộ phim là nhà quay phim trẻ Lưu Hà, đây là bộ phim đầu tiên anh bấm máy và cũng là bài tốt nghiệp của Lưu Hà ở Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Về phần nhạc phim, nghệ sĩ Văn Vượng đã sáng tác riêng một nhạc khúc cũng có tên Hà Nội trong mắt ai để biểu diễn vào phần cuối của phim. Có lẽ tiếng đàn của Văn Vượng đã nhận được sự đồng cảm từ đạo diễn Trần Văn Thủy vì những khúc nhạc do Văn Vượng trình diễn ở đầu và cuối phim có âm thanh hết sức trong trẻo và phù hợp với nội dung của Hà Nội trong mắt ai.

Hà Nội trong mắt ai ngay ở lần chiếu duyệt ở Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương năm 1982 đã gặp rắc rối. Sau khi duyệt, giám đốc xưởng phim Lê Thái Bảo đã cho đạo diễn biết rằng bộ phim sẽ không được công chiếu vì nội dung của phim bị một số lãnh đạo trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa cho rằng có vấn đề. Theo đạo diễn Trần Văn Thủy thì có lẽ bộ phim của ông không được chiếu vì nội dung mượn chuyện xưa để nói chuyện nay của nó đã đụng chạm tới một số quan chức, có người còn quy kết rằng bộ phim có tính chất chống Đảng, dạy Đảng cầm quyền. Sự kiện Hà Nội trong mắt ai là một phim "có vấn đề" còn đáng kể ở chỗ nó ra đời trước hầu hết các tác phẩm văn hóa mang tính đột phá của giai đoạn đầu thời kỳ Đổi mới như kịch Lưu Quang Vũ, phóng sự Cái đêm ấy là đêm gì?. Sau khi phim bị cấm chiếu, Trần Văn Thủy đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc, bạn bè nhiều người thậm chí còn tưởng ông sắp bị bắt giam, mãi về sau dù đạo diễn đã có một sự nghiệp thành đạt và danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ông vẫn ít muốn nhắc tới giai đoạn này. Ngay cả Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng gặp rắc rối vì bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy, tác phẩm này đã khiến việc trao Huân chương Anh hùng cho xưởng phim bị đình lại.

Để phim đến với công chúng, đạo diễn Trần Văn Thủy đã tìm mọi cách thuyết phục cấp trên ở Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương như xin sửa phim theo ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên theo họ thì phim gặp vấn đề nghiêm trọng tới mức không thể sửa được. Tiếp đó Trần Văn Thủy nhờ tới nhà quay phim của mình là Lưu Hà, anh vốn là con trai của phó giám đốc Xưởng phim lúc này vì vậy cuối cùng Lưu Hà đã xin cho phim được chiếu ở Cung Thiếu nhi Hà Nội vào giữa năm 1983 với tư cách phim tốt nghiệp của Lưu Hà. Sau buổi chiếu phim đã nhận được rất nhiều lời khen từ phía khán giả, tuy nhiên đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn không thể thay đổi được quyết định của lãnh đạo cấp trên. Giữa tháng Mười năm 1983, cơ hội cuối cùng đến với đạo diễn khi Hà Nội trong mắt ai được thủ tướng Phạm Văn Đồng chọn xem. Sau khi xem xong phim, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lập tức bày tỏ sự ủng hộ với bộ phim và đạo diễn Trần Văn Thủy, bằng nhiều cách như liên hệ với Văn phòng Ban Bí thư và phát biểu trước Đại hội lần thứ 2 của Hội Điện ảnh Việt Nam, ông đã tác động để bộ phim được chiếu rộng rãi hết mức có thể ngay từ tháng 10 năm 1983. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, việc chiếu phim lại bị ách lại kể cả khi phim được chiếu giới thiệu cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tháng 5 năm 1987.

Bất chấp những khó khăn gặp phải, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn tiếp tục làm bộ phim tài liệu tiếp theo của mình với tựa đề Chuyện tử tế (1985), đây được coi là phần 2 của Hà Nội trong mắt ai. Tới tháng 10 năm 1987, đạo diễn Trần Văn Thủy được gặp riêng ông Nguyễn Văn Linh, trong cuộc gặp này Tổng bí thư đã tỏ ý ủng hộ Hà Nội trong mắt ai và đề nghị Trần Văn Thủy làm ngay phần tiếp theo của phim. Nhờ vậy cả Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế được cùng công chiếu vào năm này.

Sau khi được công chiếu chính thức, Hà Nội trong mắt ai đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy là phim tài liệu nhưng các buổi chiếu của bộ phim ở Hà Nội thường xuyên kín chỗ, người dân thậm chí phải xếp hàng để mua vé xem tác phẩm tài liệu đặc sắc về Hà Nội này. Đây là sự kiện chưa từng có đối với thể loại phim tài liệu, vốn trước đó chỉ được chiếu miễn phí hoặc chiếu kèm phim truyện.

Tại Liên hoan phim Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng tháng 3 năm 1988, Hà Nội trong mắt ai đã chiến thắng vang dội với giải Bông sen vàng duy nhất của thể loại phim tài liệu cùng giải biên kịch, đạo diễn và quay phim hay nhất. Đáng chú ý là dù đoạt được hầu hết giải thưởng lớn, Hà Nội trong mắt ai vẫn không có trong danh sách chiếu chính thức của Liên hoan phim. Cùng với Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao, mang tính đột phá trong thể loại phim tài liệu Việt Nam và chứng tỏ sự dũng cảm tuyệt vời của những nhà làm phim trong việc phản ánh hiện thực xã hội và suy nghĩ của người dân. Hai tác phẩm này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá xã hội của nhiều người. Cho tới nay đây vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc lấy đề tài về Hà Nội.

Đăng bình luận

Trang trước Trang sau